Trong lớp Yoga của tôi, có một chị học viên khiến tôi đặc biệt chú ý. Mỗi khi tôi yêu cầu nâng tay phải, chị lại đưa tay trái; tôi bảo nâng chân phải, chị lại nhấc cả hai chân; tôi nhắc đặt chỏ tay xuống sàn, chị loay hoay mãi ở bàn tay. Chị ấy dường như không thể xác định được các bộ phận trên cơ thể mình mỗi khi tôi gọi tên chúng. Hơn thế nữa, cơ thể chị luôn căng cứng dù tôi liên tục nhắc nhở thư giãn và thả lỏng.
Cuối buổi tập, tôi gặp chị và trò chuyện riêng. Chị chia sẻ rằng công việc của chị khá căng thẳng, chị đang lo lắng rất nhiều thứ: tài chính, gia đình, công việc,… Chị cũng thường xuyên cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp và căng cứng người. Những lúc đó, chị chỉ muốn đóng cửa và làm việc một mình.
Tôi hỏi chị:
– Chị có biết là mình đang mất kết nối với cơ thể và không xác định được các bộ phận trên cơ thể không?.
– Chị ngớ người ra: “Lúc tập thì chị mới biết, tại chị cứ loay hoay…”.
Mất kết nối với cơ thể – hệ lụy khôn lường
Chị à, cơ thể chúng ta có các hệ thần kinh khác nhau để đưa ra các phản ứng thích nghi với hoạt động sống. Trong đó, hệ thần kinh thực vật chia làm 2: hệ thần kinh giao cảm (chức năng “CHIẾN”) và hệ thần kinh phó giao cảm (chức năng “BIẾN”). Khi một trong hai chức năng này bị kích hoạt quá mức, mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của tâm trí và cơ thể, gây ra căng thẳng, bệnh tật, trầm cảm, rối loạn tâm lý, béo phì, tiểu đường, hệ thống miễn dịch giảm,…
Khi chức năng “CHIẾN” (FIGHT) được kích hoạt, cơ thể sẽ thúc đẩy phản ứng chiến đấu, kích thích tạo năng lượng và ức chế tiêu hóa. Ví dụ cụ thể như: đồng tử giãn, tim đập nhanh, giãn nở phế quản trong phổi gây khó thở, hệ tiêu hóa giảm tiêu hóa và bài tiết, tăng lượng đường và chất béo,…
Ngược lại, khi chức năng “BIẾN” (FLIGHT) được kích hoạt, cơ chế nghỉ ngơi và tiêu hóa sẽ được kích hoạt. Nhịp tim chậm lại, hệ tiêu hóa được kích thích để tiêu hóa thức ăn và bài tiết chất cặn bã, giải phóng glucose, hơi thở dài hơn, năng lượng được bảo tồn,…
“Oh, sao em nói như thầy bói. Đúng với tất cả các triệu chứng chị đang gặp khi căng thẳng”, chị học viên thốt lên.
Thật ra, đó là nghiên cứu của khoa học, tây y đã chứng minh điều này. Nó giống như một chiếc xe máy hay xe hơi, khi đi một chặng đường dài, chúng ta đều cần phải dừng lại để các bác tài xế và xe được nghỉ ngơi. Và sau những chuyến đi dài như vậy, xe cần được bảo dưỡng và bảo trì.
” Căng thẳng, lo âu, phóng tâm ra ngoài” – nguyên nhân sâu xa
Mặt khác, đó cũng là một dấu hiệu của việc căng thẳng, lo âu trong một thời gian dài dẫn đến việc “phóng tâm ra ngoài” quá nhiều mà không quay vào để giải phóng cảm xúc, kết nối với bên trong và kết nối với cơ thể của mình. Thật khó để hiểu và yêu thương người khác khi mà ngay cả cơ thể mình cũng không thể cảm nhận được.
Do đó, trong các buổi tập Yoga, người hướng dẫn luôn kích hoạt hài hòa hai chức năng “CHIẾN” và “NGHỈ NGƠI”. Đặc biệt là cuối buổi tập để cơ thể thư giãn, nghỉ ngơi, hấp thu, bảo toàn năng lượng, và kết nối ghi nhận cảm xúc và trạng thái cơ thể, nhận biết chính mình.
Đừng chờ đợi đến khi cơ thể lên tiếng, hãy chủ động chăm sóc bản thân mình ngay từ bây giờ!
Dharmashakti – Chị giáo Yoga