Ông bà hay nói “Diệt cỏ phải diệt tận gốc” ý muốn nói phải tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thì mới có được giải pháp và hủy diệt tới cùng, không cho vấn đề đó có cơ hội quay lại. Áp dụng vào việc thay đổi một thói quen, dưới đây là 3 trở ngại chính mà nhìn lại em thấy đúng, được đúc kết từ các bài học triết lý Yoga.
1. Suy nghĩ, định kiến có sẵn
Mình thử 1 trò chơi nho nhỏ nhé.
Đầu tiên hãy nhắm mắt lại, thả lỏng người, thả lỏng tâm trí. Bây giờ hãy hình dung ngày đầu tiên bạn đến phòng tập những hình ảnh nào sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn? (trong 1 phút)
Sau đó hãy mở mắt ra và nghĩ xem nếu mình tham gia lớp đó thì mình sẽ như thế nào?
Thực ra Dharma Shakti không biết mọi người đã nhìn thấy gì đâu? Bởi vì trong tâm trí của mỗi người đã được cài đặt sẵn rất nhiều ý tưởng dựa vào kinh nghiệm, bản năng, cảm xúc và thói quen mà tiềm thức đã từng nhìn thấy và trải qua trước đó. Do đó, khi một điều mới, thói quen mới được bắt đầu thì tiềm thức sẽ nhanh chóng trỗi dậy chiếm lấy tâm trí và thuyết phục để chứng minh tâm trí đã đúng như “Người mình cứng thế này làm sao tập dẻo như người ta được?” “Ôi, tôi không có năng khiếu này đâu, cái này dành cho mấy chị ấy.”
Giải pháp: Hãy buông bỏ những suy nghĩ có sẵn và bắt đầu với niềm hăm hở, tâm trí và trái tim cởi mở đón nhận. Tạm thời tách rời kì vọng kết quả mà hãy cứ làm trước đi đã.
2. Ý tưởng sai lầm về bổn phận
Nếu hôm nay không đi tập thì mình có thời gian làm việc này việc kia cho gia đình? Đây cũng luôn là cái cớ để thi thoảng em cúp tập nè vì còn phải làm việc này việc kia nên thôi hôm nay nghỉ và mình lại để cho tiềm thức chiến thắng ^^ Sự thật là nếu vừa muốn đi tập vừa muốn làm việc này cho gia đình, 2 cái muốn này mạnh mẽ như nhau thì mình hoàn toàn có thể sắp xếp được
Hay một tâm sự khác mà các chị hay nói “Chị cũng muốn đi tập cho khỏe nhưng mà bận quá không có thời gian”. Những lúc này mình lại nhớ hướng dẫn của chị tiếp viên hàng không “Quý khách hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình, sau đó đeo cho người bên cạnh”. Nếu không có sức khỏe và tinh thần minh mẫn thì làm sao chăm sóc những người bên cạnh?
Giải pháp: Bổn phận với bản thân là bổn phẩn cao nhất mà mình cần phải thực hiện. Muốn là có giải pháp.
3. Tâm trí chùn bước trước kỷ luật
Đang sung sướng thì tự dưng phải dậy sớm, phải sắp xếp thời gian mọi thứ rồi phải vất vả tập tành đổ mồ hôi rồi còn phải trả một khoản chi phí nữa chứ. Đấy, tâm trí sẽ nói thế đấy.
Nhưng biết đâu dậy sớm cho một ngày có nhiều thời gian hơn, sắp xếp thời gian giúp ta kỉ luật hơn, đổ mồ hôi mà đổi lại sức khỏe tốt hơn, tốn tiền hôm nay mà mai sau không tốn cho bác sĩ. Nghe hời hời rồi heng.
Giải pháp: Tư duy tích cực, tận hưởng từng thành quả nhỏ trong quá trình. Chia nhỏ các mục tiêu và đạt lấy nó. Chịu đựng những khó khăn một cách điềm tĩnh. Có thể ghi chép để nhìn lại để sau này đọc lại mình đã vượt qua như nhế nào.
Kết luận
Để tạo một thói quen mới, học một điều mới đầu tiên hãy cho phép mình về với hiện tại, đón nhận những điều mới mẻ với một tâm trí cởi mở và trống rỗng. Hơn thế nữa, để trở thành một thói quen thì việc đó phải được lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại mỗi ngày đòi hỏi một sự nỗ lực, cam kết, và tính kiên trì của người thực hành. Đừng quá kỳ vọng ở một kết quả cao, hãy chia nhỏ mục tiêu và ăn mừng ở từng cột mốc nhỏ bạn nhé.
Hãy để lại bình luận chia sẻ với OmYouarehere.com những trở ngại của các bạn nhé.