ĐUA ĐÒI HAY MONG MUỐN ĐÍCH THỰC?

Như cơn nắng hạn gặp mưa rào, đang trong lúc trong đầu mình đặt ra câu hỏi này để mua một đó khá nhiều tiền thì đọc được bức thư này trong Bản tin tuần Thư Tư của chị Chi Nguyễn (The present Writer).

Câu chuyện của chị Chi

“Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu tại Hà Nội với bố mẹ đều là cán bộ nhà nước với mức lương cơ bản, chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống bình thường. Từ nhỏ, hai anh em mình đã ý thức được khả năng tài chính của gia đình nên hầu như không bao giờ lên tiếng đòi hỏi phải mua cái này, cái kia hay so bì với bạn bè cùng lứa.

Thế nhưng, mình nhớ mình từng “đòi bằng được” để có 3 thứ; và khi nhìn lại, cả 3 thứ này thực sự đã làm thay đổi cuộc đời mình.

1 – Học kỳ 1 năm lớp 1, mình học rất dốt. “Dốt” chính là từ mà cô giáo lớp 1 dùng để mắng té tát trong lúc liên tục đánh thước kẻ vào tay mình trong giờ tập viết. Thực sự, hồi đó mình viết chữ rất xấu. Thứ nhất là vì mình là đứa trẻ mộng mơ, còn chưa quen với nếp lớp 1 nên thiếu tập trung để viết ngay ngắn trong đúng ô, hàng. Thứ hai là vì mình chưa viết thạo nên chữ rất to, đậm, hằn vào cả trang sau. Mình còn nhớ hồi đó mình viết bằng bút chì gỗ thường, ngòi chì lúc nào cũng ở trong tình trạng “cùn”, dẫn đến việc chữ đã xấu lại còn xấu hơn.

Một lần tình cờ trong lớp, mình thấy có bạn dùng một loại bút chì mới tinh (thời đó) có tên là “bút chì khúc”. Đây là loại bút chì bằng nhựa có các khúc đầu chì gọt sẵn rất nhọn, nhỏ và cứng. Cái hay của loại bút chì này là khi đầu chì cùn đi, bạn có thể thay ngay khúc chì mới. Mình quá mê loại bút chì này nên ngay khi bà ngoại mình đón mình ở cổng trường, mình đã xin bà 500 đồng để mua bằng được. Bà mình cũng chưa biết loại bút chì mới này là gì nhưng vì bà vốn là người thích văn phòng phẩm nên bà đồng ý mua cho mình. Mình còn nhớ cây bút chì khúc đầu tiên của mình có đầu nhọn hoắt, thân màu tím với hình những lát dưa hấu màu đỏ, đầu tẩy cũng thơm mùi dưa hấu.

Điều mà cả mình lẫn bà mình đều không ngờ là chiếc bút chì khúc ấy làm thay đổi sự học của mình 180 độ. Nhờ có cây bút đầu nhọn, nhỏ và cứng hơn, mình viết chữ gọn và đẹp hơn rất nhiều so với khi dùng chiếc bút chì gỗ cùn trước đây. Tiếp đó, vì muốn giữ gìn bút không bị gãy ngòi, mình cẩn thận, nắn nót hơn và từ đó, tập trung hơn khi viết. Ngay sau khi có bút chì mới, mình đi từ “Học sinh tiên tiến” ở học kỳ 1 lên thẳng “Học sinh giỏi” ở học kỳ 2 năm lớp 1. Bà ngoại mình cùng từ đó để ý hơn tới đồ dùng học tập và sách vở của mình. Nhờ có bà đồng hành luyện viết một mùa hè, mình đỗ vào lớp Chọn của trường năm lớp 2. Từ đó, con đường học tập của mình sang một trang mới tươi tắn hơn trước nhiều.”

Đọc tới đây, câu chuyện của mình được nhớ lại

2. Hồi học lớp 6, mình và các bạn trẻ con trong xóm chỉ biết chơi trò trốn tìm, và ô quan. Nhà mình ở trong khu tập thể giáo viên được nhà trường cấp cho mẹ nên trong xóm mình chỉ toàn là con của các thầy, cô giáo. Giờ trưa tụi mình thường hay trốn bố mẹ để ra chơi ô quan trong im lặng không phát ra tiếng ồn để tránh bị bắt về ngủ trưa. Cuối chiều thì chơi nhảy dây, trèo cây, trốn tìm rộn ràng cả xóm.

Cho đến một ngày, internet về bản, thế là một vài đứa đã bỏ hội đi chơi điện tử ở ngoài quán và mình cũng không ngoại lệ. Thay vì chơi mấy trò Half-life như tụi nó thì mình chọn lập cách lập Yahoo và tìm những người bạn mới để nói chuyện và tìm mấy trò hay ho có sẵn trên máy tính (paint, cờ vua,…). Lúc này, mình còn gõ chữ như cò mổ. Một hôm mình cùng mẹ ra tiệm photo và thấy chị gái con ông chủ tiệm, chị ấy chỉ hơn mình vài tuổi, chị ấy đánh máy tính rất nhanh và thậm chí không cần nhìn vào bàn phím. Thế là mình ước ao có thể luyện được như chị ấy. Thời gian dành cho tiệm net ngày càng nhiều hơn, chỉ để gõ chữ chat và viết email nhiều hơn. Sau đó, mình chợt nảy ra ý tưởng “Xin mẹ mua máy tính để bàn”. Cứ nghĩ rằng, mẹ sẽ không đồng ý vì thực ra lúc đó cũng chưa có ứng dụng gì nhiều cho việc học hành. Nhưng mình may mắn vì mẹ mình rất hiểu thời cuộc và đồng ý ngay lập tức. Mẹ đồng ý ngay. Mặc dù lúc đó một mình mẹ lương giáo viên và đi dạy thêm để nuôi 2 chị em mình ăn học và một phần giúp đỡ cuộc sống cho ông bà ngoại.

Kể từ ngày có máy tính, mình đã tập vẽ trên ứng dụng Paint (ứng dụng vẽ của Microsoft vẫn còn sử dụng cho đến hiện nay), mình vẽ những bông hoa, những ngôi nhà để tặng mẹ. Vẽ tất cả những gì hiện lên trong đầu và khoe mẹ. Mình tập gõ chữ nhanh hơn và dần dần quen với việc không nhìn bàn phím. Nổi bật là, mình giúp mẹ cộng điểm tổng kết vào các kì và cuối năm. Mẹ là giáo viên cấp 3 nên 1 lúc dạy khá nhiều lớp (mình không nhớ cụ thể bao nhiêu lớp) và còn chủ nhiệm nữa. Tổng số học sinh của 1 lớp học từ 50-60 bạn. Nên chỉ cần 5 lớp là mẹ đã phải tính toán ~ 300 phép tính, rất dễ dẫn đến sai sót. Thế là thay vì tính nhẩm và dùng máy tính casio, và thậm chí nhờ anh chị học sinh tới tính giùm thì nay mình chỉ cần mẹ hoặc chị gái đọc điểm để nhập vào excel và đưa công thức tính để ra kết quả cuối cùng. Tiết kiệm thời gian, nhân lực lại chính xác hơn. Mẹ vui lắm, mẹ bảo đầu tư có lợi nhuận rồi. Và sau đó đến lớp 8 thì mình được tham gia vào cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của Tỉnh, hồi đó thi với chương trình Pascal (màn hình blue). Toàn huyện chỉ có 2 người đi thi giải này thôi.

Và cũng kể từ đó cho đến nay, mình luôn tin rằng những công việc nếu cứ lặp đi lặp lại hàng ngày chắc hẳn sẽ có công thức và công nghệ để giúp mình tiết kiệm thời gian và nhân lực. Vấn đề là hãy tìm ra nó và vận hành nó.

Hôm nay, mình cũng đang mong muốn mua 1 cái máy tính bảng với mục tiêu để viết. Vì là đứa hay viết nên mỗi lần chuyển nhà mình lại lân la theo cả 1 chồng tập vở đã viết. Mình hay lưu lại vì đôi khi ý tưởng cũ nó nằm trong đó. Nên mình đã suy nghĩ về việc sử dụng máy tính bảng và One Note để viết và lưu trữ nhiều năm trên đám mây. Và cả 1 dự án vẽ vời trên đó mà mình dự định sẽ khởi nghiệp. Và mình đã thật sự rất cân nhắc đó là ĐUA ĐÒI HAY MONG MUỐN ĐÍCH THỰC. 😀

Và cuối cùng là đoạn kết của chị Chi Nguyễn mình thấy đúc kết quá rồi nên xin phép trích lại.

“khi con trẻ hỏi xin một cái gì mới, hãy cân nhắc xem đó là “đua đòi” hay mong muốn đích thực. Không có bậc cha mẹ, ông bà nào cảm thấy dễ chịu khi nghe câu: “Tại sao bạn này có cái kia mà con lại không có!” Nhưng nếu thứ con đang đòi hỏi có lý do chính đáng, mang ảnh hưởng tích cực và không vượt quá khả năng tài chính của gia đình thì phụ huynh rất nên cân nhắc. Tương tự, đối với những người trưởng thành như chúng ta, mỗi khi muốn mua một món đồ nào đó hay sử dụng một dịch vụ cao cấp hơn, ta cũng nên suy nghĩ xem sự thôi thức này đến từ mong muốn đích thực hay từ thói quen so sánh bản thân với người khác.

Không phải lựa chọn nào cũng đi kèm với một hóa đơn lớn—đôi khi, một chiếc bút chì 500 đồng cũng có thể làm thay đổi cả cuộc đời con người, đúng không?”

Thank you for being here (You are here),

DharmaShakti.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang